Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đang cùng nhận ra một vấn đề cốt lõi sau cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tín dụng bất động sản. Đó là việc phải tự cứu lấy mình nếu muốn tồn tại qua cơn khủng hoảng
Doanh nghiệp buộc phải bán bớt dự án và hạ giá thật
Theo Tiền Phong, ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc EZ Việt Nam đã có chia sẻ với phóng viên rằng cuộc họp tín dụng hôm 8/2 vừa qua của Ngân hàng Nhà nước chưa thể xử lý được ngay vấn đề của thị trường hiện tại. Điều đó đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tự định hình lại và đưa ra những giải pháp mang tính chủ động cao hơn.
Ông Toàn cho biết bất động sản là một phần của nền kinh tế và kinh tế vĩ mô vẫn còn đang đứng trước nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình để thị trường sớm hồi phục trở lại. Cụ thể, doanh nghiệp cần tái cơ cấu, rà soát lại toàn bộ các dự án và khoản nợ. Trong cuộc họp, Thống đốc NHNN cho biết những chủ đầu tư có gần 50 dự án ở cùng một thời điểm cần phải bán bớt dự án cho các nhà đầu tư tiềm lực khác. Trong khi đối với các dự án đã có pháp lý đủ điều kiện bán hàng, thì chủ đầu tư phải giảm giá.
Ông Toản cho biết thực tế nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay vẫn muốn có lãi và đầu tư dự án theo cách dàn trải. Dự án khác dùng vốn vay của dự án này. Sẽ không có vấn đề gì khi thị trường phát triển tốt, tuy nhiên vào thời điểm thị trường tồi tệ, vấn đề tắc nghẽn sẽ xảy ra. Theo nhận định của ông Toản, nhiều doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Hiện tại, khó khăn mới chỉ bắt đầu. Doanh nghiệp cần phải nhìn thẳng vào thực tế để không kỳ vọng vào những điều viễn tưởng.
EZ Việt Nam cho biết nhiều dự án bất động sản đến nay vẫn chưa chịu giảm giá về giá trị thực. Chẳng hạn như dự án liền kề quận ngoại thành 150 triệu đồng/ m2 nay giảm còn 100 triệu đồng/ m2, thế nhưng mức giảm này cũng không là bao. Về cơ bản, hiện nay, việc hạ giá bất động sản chỉ là chiêu trò của chủ đầu tư bởi họ vẫn “găm” lãi.
Theo Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6, hiện nay, các chủ đầu tư và ông trùm bất động sản lớn phải tự tái cơ cấu lại doanh nghiệp nếu muốn qua cơn bĩ cực. Ông Quê cho rằng các doanh nghiệp cần mạnh tay thực hiện bán bớt dự án, cắt giảm nhân sự và tìm cách lấy tiền về. Dù cuộc họp khẩn của NHNN không được như những gì mà doanh nghiệp kỳ vọng, tuy nhiên doanh nghiệp đã biết được thông điệp rắn của NHNN để tự điều chỉnh.
Hạ lãi suất và giãn khoản nợ vay, trái phiếu
Trong cuộc họp 8/2, các doanh nghiệp bất động sản đã đưa ra 3 kiến nghị. Đó là giãn nợ, tái cơ cấu nợ, nới van tín dụng cho vay và nếu được chuyển đổi một phần trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sang khoản vay. Theo nhiều doanh nghiệp nhận định về 2 kiến nghị đầu tiên, quyền sinh sát vẫn thuộc khối ngân hàng, nhất là vai trò của NHNN, trong khi kiến nghị thứ 3 bị từ chối thẳng thừng.
Theo ông Quê, bên cạnh việc tự tái cơ cấu doanh nghiệp, NHNN nên tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cả tiết kiệm và cho vay để gỡ khó cho thị trường địa ốc. Ông Quê phân tích rằng dòng tiền chảy vào ngân hàng lớn vì lãi suất tiết kiệm hiện đang hấp dẫn hơn nhiều so với kênh đầu tư khác. Và dòng tiền sẽ chảy sang bất động sản một khi lãi suất tiết kiệm không còn hấp dẫn. Bên cạnh đó, ông cho rằng ngân hàng cũng nên giảm lãi suất cho vay nhằm gỡ khó cho cả người mua nhà và chủ đầu tư.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cần bóc tách xem có bao nhiêu phần trăm trong tổng số dư nợ ngân hàng 800.000 tỷ đồng năm 2022 được xác định là khoản vay đã dùng vốn trả nợ trái phiếu, có bao nhiêu dự án hiện đang thiếu giấy phép xây dựng hay có bao nhiêu dự án đang triển khai hoàn tất thủ tục nhưng ngân hàng chưa cho vay…
Ông Hùng cho rằng cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ pháp lý thì hoạt động tái cơ cấu nợ mới hiệu quả. Việc giải cứu trở nên vô nghĩa khi chỉ tái cơ cấu mà hàng vẫn không bán được vì vấn đề ách tắc pháp lý.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) thừa nhận rằng hiện nay các doanh nghiệp bất động sản không chỉ đối mặt với khoản nợ đáo hạn mà còn gặp sức ép với trái phiếu đã phát hành. Mặt khác, nguồn thu từ dòng tiền bán bất động sản đang chững lại. Theo ông Hưng, cần có giải pháp hỗ trợ ở giai đoạn này như cho cơ cấu nợ và gia hạn đối với cả trái phiếu và nợ vay.
Ông Hưng nói bất động sản không sinh thêm ra được, là ngành đặc thù và tài sản đảm bảo hữu hình. Vừa qua, bất động sản trải qua một thời gian dài có xu hướng tăng lên, mặc dù có những thời điểm ngủ đông. Tính thanh khoản là quan trọng. Thị trường vài năm tới sẽ ấm lên, và bất động sản sẽ trở lại bình thường nếu như chúng ta hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể vượt khó giai đoạn này.
Theo Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng, tương tự như những ngân hàng khác, Vietcombank vẫn gặp nhiều khó khăn về vấn đề pháp lý, và các chính sách bất động sản qua các giai đoạn.
Ở một số trường hợp, chủ đầu tư bị thay đổi hồ sơ pháp lý dự án. Điều này ảnh hưởng đến cả chủ đầu tư và ngân hàng thương mại. Bởi vậy, ngân hàng càng phải làm nghiêm hơn khi thẩm định về tính pháp lý của dự án.