Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong nhiều tháng qua ngập tràn thông tin rao bán gấp bất động sản “cắt lỗ” nhằm thu lại dòng vốn. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm rất khó bán vì không có người mua, “cò” đất cũng phải đau đầu.
Có quá nhiều những thông tin rao bán bất động sản “cắt lỗ”, “bán gấp thu hồi vốn” hoặc “chủ cần trả nợ gấp”... tại các trang, nhóm giao dịch mua bán bất động sản, nhà ở trên mạng xã hội. Tìm hiểu thực tế cho thấy, từ cuối năm 2022 tới nay, thị trường bất động sản tại Thanh Hóa gặp rất nhiều khó khăn vì thanh khoản yếu, trong khi đó lãi suất ngân hàng ở mức cao, nhiều nhà đầu tư rơi vào khủng hoảng, cố gắng tìm nguồn vốn để xoay vòng gặp khó khăn, từ đó buộc phải cắt lỗ để xoay vòng vốn hoặc thu hồi vốn tái đầu tư vào lĩnh vực khác.
Chị Nguyễn Thị Hà (trú tại thành phố Thanh Hóa) chia sẻ: “Khoảng 2 năm trước tôi đã đầu tư vào một số đất nền với giá không cao lắm so với thời điểm đó. Tôi dự tính để một thời gian đến khi giá tăng thì bán nhằm kiếm chút lợi nhuận, nhưng tới nay buộc phải bán “cắt lỗ” từ 10 - 15% so với giá mua trước kia nhưng vẫn không bán được”.
Tương tự trường hợp của chị Hà, anh Vũ Xuân Bình - Một nhà đầu tư lâu năm tại thị trường bất động sản ở Thanh Hóa cho hay: “Hiện nay tôi vẫn giữ một ít bất động sản đang được rao bán cắt lỗ hàng trăm triệu đồng. Nhưng tới nay chỉ thấy ít người hỏi theo kiểu cho vui chứ không mua. Nói thật nếu để tình trạng như vậy thì chẳng mấy mà chúng tôi trắng tay vì áp lực quay vòng vốn và trả lãi".
Một số người đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản cho hay, việc nhiều bất động sản của nhà đầu tư hiện nay đang khó thanh khoản khiến cho các nhà đầu tư tăng thêm áp lực, họ tìm nhiều cách để kích cầu người mua như cắt lỗ, giảm sâu hay bán gấp nhằm thu hồi vốn. Điều này dễ thấy tại những mặt bằng đất nền trên địa bàn một số huyện mà trước đây đã từng có tình trạng sốt đất, nay đã qua thời kỳ đất số, kinh tế hiện nay khó khăn, nhu cầu mua sắm người dân giảm, lãi suất ngân hàng tăng nên việc bất động sản khó thanh khoản là tất yếu.
Anh Lê Dũng - Nhân viên môi giới bất động sản tại Thanh Hóa cho hay: “Trước có ngày chúng tôi bán được khoảng 2 - 3 lô đất nền, vì vậy nhiều người bỏ công việc mà họ đang làm để chuyển sang môi giới bất động sản. Nhưng nay thì họ lại bỏ nghề để đi tìm việc mới, bởi như tôi thì hai tháng qua không bán được lô nào dù đã chạy quảng cáo, rao bán “cắt lỗ”.
Khảo sát thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, không chỉ đất nền rơi vào tình trạng khó bán mà nhiều dự án bất động sản xây thô cũng rơi vào trạng thái ảm đạm. Người dân cho rằng bất động sản hiện nay giá quá cao. Chẳng hạn như một số dự án tại phường Quảng Thắng, phường Đông Vệ thuộc thành phố Thanh Hoá.